• Địa chỉ: TP. HCM
  • Hotline: 09xxxxxxxx

Đăng ký đất đai 2022 và những điều mới bạn cần biết

Tin tức

08:03 05/07/2022

Việc đăng ký đất đai, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất là kê khai, ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng hay quyền sở hữu nhà đất của người dân vào hồ sơ địa chính của địa phương nơi có đất. Vậy quy định về đăng ký đất đai năm 2022 có gì thay đổi và trường hợp nào phải thực hiện đăng ký đất đai lần đầu và nếu không thực hiện thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

1. Tổng quan về đăng ký đất đai

Đăng ký đất đai là gì?

Theo khoản 1 Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013, đăng ký đất đai là thủ tục được bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý, đăng ký quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất để thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.

Cơ sở pháp lý điều chỉnh cho các vấn đề về đăng ký đất đai

- Luật Đất đai năm 2013

- Nghị định số 91 năm 2019/NĐ-CP

- Nghị định số 43 năm 2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đất đai

- Thông tư số 24 năm 2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính

2. Thủ tục đăng ký đất đai cơ bản và các trường hợp áp dụng

Đăng ký đất đai lần đầu

  • Đất được nhà nước giao cho tổ chức thuê, cá nhân, gia đình để sử dụng

  • Các thửa đất đang sử dụng mà chưa được thực hiện đăng ký lần đầu

  • Các thửa đất đã được nhà nước giao cho quản lý nhưng chưa thực hiện việc đăng ký lần đầu

Đăng ký biến động đất đai

(Trường hợp đã cấp giấy chứng nhận hay đã đăng ký mà có sự thay đổi)

  • Chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất, thế chấp hay góp vốn bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất

  • Chuyển QSDĐ, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung 2 vợ chồng

  • Chia tách QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức, hộ gia đình, vợ chồng hay nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất

  • Thay đổi QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo như kết quả hòa giải thành công về tranh chấp đất đai (do UBND có thẩm quyền công nhận) hoặc theo văn bản đã công nhận kết quả đấu giá QSDĐ phù hợp với pháp luật

3. Thủ tục đăng ký đất đai

Thủ tục đăng ký đất đai lần đầu

Khi đăng ký đất đai lần đầu, bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm: Đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mẫu; bản sao các loại giấy tờ tùy thân; bản sao chứng thực giấy chứng minh QSDĐ theo Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013; bản sao giấy chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính và các loại giấy tờ liên quan đến miễn giảm nghĩa vụ tài chính (nếu có)...

Hồ sơ này sau đó được nộp ở nơi tiếp nhận và trả kết quả về thủ tục hành chính của UBND có thẩm quyền hoặc có thể đem nộp tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp quận hay huyện nơi có đất. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ xem xét hồ sơ và tiếp nhận giải quyết nếu như hồ sơ đó hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong khoảng 3 ngày làm việc, cơ quan này sẽ thông báo và hướng dẫn cho người nộp bổ sung các tài liệu để hoàn chỉnh hồ sơ.

Lưu ý, thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đất đai lần đầu không quá 30 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ. Sau khi cơ quan chức năng giải quyết hồ sơ hợp lệ thì người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đất đai.

Thủ tục đăng ký biến động đất đai

Người dân khi có nhu cầu đăng ký biến động đất đai trước hết cần chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai và các tài sản khác gắn liền với đất theo mẫu

- Bản gốc giấy chứng nhận QSDĐ (hay còn gọi là sổ đỏ) đã được cấp trước đó

- Các loại giấy tờ khác có liên quan đến nội dung của việc biến động, ví dụ: Văn bản đã công nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin của cá nhân, hộ gia đình sở hữu đất; văn bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư đã được UBND cấp xã xác nhận đối với trường hợp cộng đồng dân cư được đổi tên;...

Khi có đủ hồ sơ, người dân nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận/huyện nơi có đất hay bộ phận tiếp nhận và trả kết các quả thủ tục hành chính tại UBND cấp xã nơi có đất (trường hợp địa phương chưa có văn phòng đăng ký đất đai). Nếu hồ sơ đã đủ và hợp lệ thì cơ quan này sẽ tiếp nhận xử lý và ghi vào sổ tiếp nhận hồ sơ. Sau đó sẽ tiến hành giải quyết yêu cầu đăng ký biến động đất đai và không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.

Ảnh: Khi đăng ký đất đai lần đầu hay có biến động đất đai cần phải làm thủ tục theo đúng quy định pháp luật.

4. Xử phạt hành vi vi phạm quy định đăng ký đất đai

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013, thời hạn đăng ký đất đai không quá 30 ngày kể từ ngày có biến động đất đai (đối với trường hợp thừa kế QSDĐ thì thời hạn này tính từ ngày phân chia xong di sản thừa kế). Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất cố tình vi phạm quy định này thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 91 năm 2019/NĐ-CP về hành vi không thực hiện đăng ký đất đai như sau:

Không đăng ký đất đai lần đầu

  • Phạt cảnh cáo hay phạt tiền 500000 đồng đến 1000000 đồng nếu không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định trên có hiệu lực thi hành.

  • Phạt 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng nếu không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Không đăng ký biến động đất đai

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 3.000.000 đồng nếu không thực hiện đăng ký biến động trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại Khoản 6 Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013

  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 5.000.000 đồng nếu không thực hiện đăng ký biến động quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại Khoản 6 Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013.

Qua bài viết này, chúng ta đã hiểu về khái niệm về đăng ký đất đai, các trường hợp bắt buộc cần phải đăng ký đất đai cũng như các hình thức xử lý nếu như người dân cố tình vi phạm.

(Nguồn tổng hợp - batdongsanBacGiang.info)